Những nhân viên nhà hàng nào cần chú trọng trong quản lý?

Mọi nhân viên nhà hàng đều được quản lý và giám sát công việc – họ làm việc theo nhiệm vụ công việc được giao tương ứng với bộ phận và vị trí họ đảm nhận – mọi thành tích đạt được hay lỗi sai phạm phải đều được căn cứ áp dụng/ xử lý theo nội quy nhà hàng, tương đương khen thưởng, biểu dương hay khiển trách, xử phạt nhằm tạo ra sự cân bằng trong môi trường làm việc, thể hiện qua các chế độ đãi ngộ của công ty. Tuy nhiên, tồn tại những “nhân viên đặc biệt” – những người cần được quan tâm và chú trọng trong quản lý để không chỉ tạo điều kiện cho họ hoàn thành tốt nhiệm vụ công việc được giao, mà còn giúp họ nhận ra giá trị của họ trong doanh nghiệp trong nỗ lực phục vụ khách và cống hiến vì sự phát triển chung.

Nhân viên làm thêm

​Hầu hết nhân viên làm thêm tại nhà hàng thường là sinh viên, những bạn trẻ mong muốn đi làm để có thêm thu nhập trang trải các chi phí trong cuộc sống, đồng thời tìm môi trường làm việc thực tế để cọ xát, học hỏi kinh nghiệm và tạo dựng các mối quan hệ tốt. Nhân viên làm thêm thường được tuyển cho các vị trí như phục vụ bàn, phụ bếp, tiếp thực, bảo vệ hay tạp vụ… Đây đều là những người cả tuổi đời và tuổi nghề chưa nhiều nên suy nghĩ chưa chín chắn, dễ bốc đồng, nóng tính hoặc tự ti vì bị cười cợt, dễ bị tác động đến mất kiểm soát trong hành động và lời nói khi xử lý vấn đề…; hơn nữa, đa số mang tư tưởng không thực sự muốn gắn bó với nghề, rằng đây chỉ là công việc tạm thời, làm vui để trải nghiệm, không làm chỗ này thì làm chỗ khác…

Là một Quản lý có tâm và chuyên nghiệp, thay vì “đuổi thẳng cổ” để đón những đợt nhân viên làm thêm mới tiềm năng tiếp theo với mức độ rủi ro “không được việc” tương đương, sao không thử “đào tạo” nhóm nhân viên làm thêm hiện tại trở thành “nhân viên ưu tú” hơn? Chỉ cần khôn khéo, mềm mỏng và biết định hướng tương lai nghề nghiệp để nhân viên nhận ra những mặt tốt, mặt ưu của công việc, giúp họ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tuyên dương nếu họ xứng đáng, tạo động lực để họ yêu và muốn gắn bó, phát triển với nghề… Như thế, ngoài sở hữu đội ngũ nhân viên làm thêm được việc, có khi, số nhân viên này sẽ trở thành nhân viên chính thức, kỳ cựu cùng nhà hàng phát triển.

Nhân viên có thâm niên

Hầu hết những nhân viên có thâm niên, gắn bó lâu dài với nhà hàng đều là những người vững chuyên môn, giỏi nghiệp vụ và đạo đức tốt. Đó sẽ là những người “trợ lý” đắc lực của Quản lý trong hướng dẫn và đào tạo nhân viên mới, tạo động lực làm việc cho đội ngũ nhân viên “non trẻ” và “tham mưu” giải pháp giúp phục vụ khách hàng tốt hơn hay giữ chân nhân viên giỏi. Họ hiện làm việc vì đam mê và mong muốn được ổn định trong công việc để cống hiến cùng tập thể. Do đó, khả năng “nhảy việc” của nhân viên này gần như bằng 0, trừ khi họ cảm thấy nỗ lực đóng góp của mình không được công nhận. Đã có trường hợp một nhân viên lâu năm nghỉ việc và kéo theo hàng chục nhân viên khác cùng nghỉ gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng về nhân sự và hoạt động kinh doanh của nhà hàng. Vì thế, nếu không muốn tình trạng tương tự xảy ra, cách hay và kịp thời giữ chân nhân viên giỏi và tài năng là đưa ra nhiều chính sách đãi ngộ xứng đáng nhằm động viên tinh thần, khích lệ họ nỗ lực làm việc hơn vì nhà hàng – tạo điều kiện để họ làm việc và thể hiện tài năng – trân trọng và ghi nhận những đóng góp của họ cho sự phát triển của nhà hàng bằng những hàng động cụ thể…

By: starvietnam.net

PHẦN MỀM QUAN LÝ KHÁCH SẠN, NHÀ HÀNG ONLINE STAR (dành cho khách sạn 1-3 sao, đăng ký dùng thử miễn phí 30 ngày)

PHẦN MỀM QUẢN LÝ KHÁCH SẠN -NHÀ HÀNG -RESORT-APARTMENT MEMO (dành cho khách sạn 3-5 sao)